Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam Hòa_giải

Bài chi tiết: Hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở là một hình thức hòa giải tại cộng đồng dân cư do các tổ chức tự quản ở địa phương (tổ hòa giải) tiến hành nhằm hòa giải những tranh chấp, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư.

Thuật ngữ

Hoà giải ở cơ sở được hiểu là quá trình hoà giải viên vận dụng pháp luật, đạo đức xã hội, bằng tấm gương của mình để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm xoá bỏ mâu thuẫn, bất đồng và đạt được những thoả thuận phù hợp với đạo đức xã hội, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tương thân, tương ái, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở.[13]

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.[14][15]

Thuật ngữ "Cơ sở" được hiểu là thôn phố thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như các chợ cố định, chung cư, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí. Nó không được hiểu là một cấp chính quyền thấp nhất như cấp xã.

Thuật ngữ "các bên" được hiểu có thể là các thành viên trong một hộ gia đình, các hộ gia đình với nhau hoặc các cá nhân với nhau.

Lịch sử phát triển

Sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đã ban hành các văn bản pháp luật về hoà giải như: Sắc Lệnh số 13/SL ngày 24 tháng 01 năm 1946 và Sắc Lệnh số 51/SL ngày 17 tháng 4 năm 1946, trong đó có quy định Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ hoà giải tất cả các vụ việc về dân sự, thương mại và phạt vi cảnh. Cùng với chế định hoà giải của Ban Tư pháp xã, còn có chế định hoà giải của Toà án Sơ cấp (trước năm 1950) và của Toà án nhân dân huyện (sau năm 1950).

Từ năm 1961, tổ hoà giải được thành lập ở thôn, xóm hoặc liên thôn xóm. Trong thời kỳ này nhiệm vụ quản lý công tác hoà giải được chuyển giao cho Toà án nhân dân tối cao thực hiện vì Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không có Bộ Tư pháp.

Đến năm 1964, tổ hoà giải thành lập ở cơ sở là một tổ chức xã hội, không phân xử mà chỉ giải thích, thuyết phục để giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết các xích mích, tranh chấp một cách có tình, có lý. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá VII đã chỉ rõ: "Coi trọng vai trò hoà giải của chính quyền kết hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở".

Đến thời kỳ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hòa giải ở cơ sở được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật.

Hiến pháp Việt Nam năm 1980 đã lần đầu thể chế hoá hoạt động hoà giải ở cơ sở: "Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật".

Chế định hoà giải ở cơ sở tiếp tục được Hiến pháp 1992 ghi nhận tại Điều 127: "Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật".

Bộ Luật dân sự nước công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 đã coi việc hoà giải để giải quyết các tranh chấp dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam: "Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dung vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự" (Điều 11).

Và đến ngày 25 tháng 12 năm 1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tiếp đến, ngày 18 tháng 10 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Đây là hai văn bản có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, đồng bộ và toàn diện các vấn đề về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Chế định về hòa giải ở cơ sở chính thức được ra đời.

Bên cạnh đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 cũng quy định một trong những nhiệm vụ của Mặt trận tổ quốc các cấp là: "Tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hoà giải" (khoản 3 Điều 7). Một số văn bản quy phạm pháp luật khác cũng có những quy định liên quan đến hoà giải ở cơ sở như: Luật hôn nhân và gia định năm 2000, Luật Đất đai năm 2003.

Năm 2012, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở, đánh dấu sự hoàn thiện tương đối về mặt thể chế đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Vai trò của hoà giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở có vai trò rất to lớn[16]

  • Đóng vai quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, góp phần "xây dựng tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, đùm bọc, giúp đỡ nhau, xây dựng xã hội bình yên, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân".
  • Trực tiếp giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cộng đồng dân cư thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư.
  • Góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện cáo lên Toà án, cơ quan hành chính cấp trên, giúp cho các cơ quan nhà nước giảm bớt việc giải quyết đơn thư khiếu kiện không cần thiết dẫn đến tình trạng quá tải, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.
  • Góp phần truyền bá pháp luật trong nhân dân, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật.

Chủ thể thực hiện hòa giải

Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác.

Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố cũng như các cụm dân cư khác (chung cư, chợ tập trung, tụ điểm vui chơi, giải trí) để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải tranh chấp nhỏ trong dân cư.

Tổ hoà giải có Tổ trưởng và các tổ viên. Những thành viên này được cộng đồng dân cư bầu qua cuộc họp (Các cuộc họp nói trên được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người trong diện họp tham dự) (có thể biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kin) của các chủ hộ hoặc được tính kết quả qua phiếu lấy ý kiến của chủ hộ.

Người được bầu là tổ viên Tổ hoà giải phải được quá nửa số người tham gia bầu tán thành. Sau đó một quyết định công nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ làm họ chính thức trở thành một Hòa giải viên.

Phạm vi hòa giải

Nhìn chung thì việc hoà giải ở cơ sở được tiến hành đối với việc tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Theo quy định hiện hành thì việc hòa giải được thực hiện đối với những vụ việc sau đây (Điều 3 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở):

  • Mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung...
  • Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất.
  • Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng.
  • Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hòa_giải http://www.rfi.fr/actuvi/articles/117/article_4876... http://web.archive.org/web/20070706222856/http://v... http://dantri.com.vn/thi-truong/minh-bach-hoa-kieu... http://nghiepvu.moj.gov.vn/xembai.aspx?nv=72 http://www.wrd.gov.vn/modules/cms/ng%C3%A2n%20h%C3... http://phapluattp.vn/20130825102822768p1063c1016/k... http://vbpl.vn/botuphap/Pages/vbpq-toanvan.aspx?It... https://iluatsu.com/quoc-te/ebook-giao-trinh-luat-... https://archive.is/20120904123132/www.baodatviet.v... https://web.archive.org/web/20130827135659/http://...